Quyền lực ấn định và pháp lực Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức

Tầm quan trọng đặc biệt của Tòa án Hiến pháp Liên bang được thể hiện trong điều 31, khoản 1 Luật về Tòa án Hiến pháp Liên bang:

Các phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang là bắt buộc đối với các cơ quan hiến pháp của liên bang và tiểu bang cũng như đối với tất cả các tòa án và cơ quan nhà nước.

Tác động bắt buộc về hình thức của một phán quyết chỉ có trong trường hợp cụ thể (inter partes). Không có bắt buộc về nội dung cho những tòa án khác đối với quan điểm pháp luật được tuyên xử. Điều này không có pháp lực. Nhưng quan điểm pháp luật của Tòa án Hiến pháp Liên bang là phương hướng chỉ đạo cho các tòa án cấp dưới, phần nhiều là được tuân theo. Rất hiếm có những khác biệt. Nhưng mỗi tòa án đều có thể theo một quan điểm pháp luật khác trong một trường hợp tương tự hay giống như vậy, khi tòa án cho rằng điều này là đúng.

Trong các trường hợp được nêu ra trong điều 31 khoản 2 Luật về Tòa án Hiến pháp thì các phán quyết của tòa lại có pháp lực và có hiệu lực cho tất cả mọi người (inter omnes). Về cơ bản đấy là quy trình mà Tòa án Hiến pháp Liên bang xác định là liệu một đạo luật có phù hợp với Hiến pháp hay không. Chỉ có Tòa án Hiến pháp Liên bang mới có thể tuyên bố một đạo luật được ban hành sau khi Hiến pháp có hiệu lực là trái với Hiến pháp (thẩm quyền bãi bỏ chuẩn mực - Normenverwerfungskompotenz). Nếu một tòa án khác hoài nghi về tính hợp hiến của một đạo luật thì tòa án này phải đưa ra Tòa án Hiến pháp Liên bang theo điều 100 Hiến pháp, nếu như quan trọng đến mức cần phải quyết định (kiểm tra chuẩn mực cụ thể - konkrete Normenkontrolle).